MẸO MUA NHÀ CHO NGƯỜI TÀI CHÍNH “KHÔNG DƯ DẢ”

Chia sẻ tin này:

Người thu nhập thấp có thể mua được nhà không? Mẹo mua nhà khi không có tiền thế nào để hiệu quả và an toàn?

Có lẽ, câu hỏi “làm sao mua được nhà” không phải là vấn đề của riêng ai. Sau vài năm bước chân vào đời, lăn lộn cùng công việc, đã đến lúc nhiều người trong chúng ta nghĩ đến việc tự sắm cho mình một nơi an cư đúng nghĩa. Không xét tới trường hợp có sự hỗ trợ từ gia đình, hầu hết các bạn trẻ dưới 30 như tôi, mua nhà chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, nhất là khi tài chính “không tạo điều kiện”.

Mơ ước mua được nhà
Mơ ước mua được nhà

Bạn bè hoặc một số anh/chị lớn hơn tôi vài tuổi, họ có mức thu nhập không quá cao, chỉ gọi là “tạm đủ” so với môi trường sống ở đô thị, vẫn luôn than vãn “làm sao để mua nhà khi không có tiền”, khi những nhu cầu khác vẫn cần phải đáp ứng nhưng vấn đề nhà ở luôn thường trực và hơn hết là thu nhập hàng tháng “chốt cứng”, không có nhiều thay đổi. Thậm chí, nhiều người tiết kiệm, dè xẻn hết mức có thể song vẫn “đuối”, cảm thấy bất lực và muốn bỏ cuộc.

Lương thấp đồng nghĩa với việc không mua được nhà? Tất nhiên, đó chỉ là nhận định tiêu cực của một số cá nhân nếu chỉ nhìn dưới góc độ tài chính, mối quan hệ giữa thu – chi hàng tháng. Không phải ai cũng may mắn tìm được công việc với mức lương cao khi còn trẻ, tuy nhiên, tiền bạc đôi khi không quyết định được tất cả mọi thứ.

Nếu bạn cũng đang rơi vào hoàn cảnh như tôi và rất nhiều bạn trẻ khác, không tự tin về thu nhập của mình đủ sức để mua được nhà thì hãy dành thời gian tham khảo bài viết dưới đây. Không khiến cho ngân sách của bạn tăng lên “đột biến” nhưng ít nhất sẽ chỉ cho các bạn cách tối ưu hóa thu nhập của mình để tạo ra một khoản tiền biến ước mơ an cư trở thành hiện thực.

Vì sao nên mua nhà thay thì tiếp tục đi thuê?

Có lẽ đây là câu hỏi có tác dụng truyền động lực lớn nhất đối với bất kỳ ai băn khoăn việc mua nhà, rằng đang khó khăn về kinh tế, tại sao không lựa chọn giải pháp đi thuê cho nhẹ gánh? Thực tế, việc thuê nhà không phải là không tốt, đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay, tuy nhiên, thuê và mua khác nhau ở tính sở hữu, tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến những gì thuộc về tầm nhìn dài hạn.

Thứ nhất, chi phí dùng để thuê nhà mỗi tháng là số tiền chỉ mang tới giá trị tạm thời. Nghĩa là, bạn thuê trong thời gian bao lâu thì sau khi kết thúc kỳ hạn, căn nhà vẫn không thuộc sở hữu của bạn, không có giá trị của một tài sản tích lũy. Số tiền bạn bỏ ra hàng tháng thực chất là để trả cho các tiện ích, dịch vụ. Vì vậy, dù ít hay nhiều, bạn vẫn đều đặn “mất” một khoản tiền đáp ứng cho các nhu cầu ở hiện tại và việc vừa thuê nhà, vừa chắt bóp để mua nhà là điều rất khó.

Thứ hai, thuê nhà không tạo ra áp lực tài chính lớn, vì chúng dàn trải theo tháng, những gì không phải “dồn thành một cục tiền” bao giờ cũng nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, việc thuê cũng có thể giúp bạn linh hoạt được nơi ở. Tuy nhiên, khi cần có một thứ ổn định và lâu dài hơn, bạn cần gấp đôi thời gian so với người quyết định mua nhà ngay từ đầu. Vì sao ư? Vì số tiền thuê mỗi tháng phải bỏ ra là điều không thể thay đổi trong khi giá trị bất động sản lại gia tăng từng ngày. Cứ thế, đồng tiền luôn chạy theo sau quy luật tăng giá trên thị trường, do đó, càng nhỏ giọt, càng kéo dài thời gian lại càng khó để mua nhà. Những ngôi nhà mà bạn ưng ý sẽ không “trống” hoặc duy trì mãi một mức giá để đợi bạn, bởi hàng trăm người khác bên ngoài kia đang cạnh tranh từng phút một.

Thứ ba, tiền thuê nhà bất kỳ khi nào cũng có thể trở thành gánh nặng. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế, công việc và thu nhập là điều không mang tính chất cố định, không thể chắc chắn được chúng được duy trì lâu dài mà không có sự cố bất ngờ nào xảy ra. Dễ hình dung nhất là đặt vào tình huống 10 – 20 năm nữa, vẫn quyết định ở nhà thuê nhưng khả năng lao động không còn như ban đầu; hoặc nếu lập gia đình, có thêm con cái và phát sinh nhiều chi phí khác; liệu trả tiền thuê nhà hàng tháng có còn dễ chịu? Ngoài ra, tính tích lũy không có dẫn đến bạn cũng không thể phát huy tính kế thừa của bất động sản. Nó không phải là tài sản của mình nên chẳng thể thế chấp, tặng cho hay chuyển nhượng.

Từ những lý do trên, làm sao mua được nhà hay làm sao mua nhà khi không có tiền vẫn là câu hỏi thôi thúc nhiều người đi tìm lời giải đáp. Mua nhà nếu nhìn rộng hơn, đó là bài toán về tâm lý và định hướng sống của con người, đặc biệt là giới trẻ. Dù có bay nhảy, tự do đến đâu thì cũng có lúc cần phải nhìn nhận nghiêm túc về sự ổn định. Không phải là bó buộc vào những quan điểm nhàn hạ, ngại thay đổi mà chính là tạo nền tảng cho cuộc sống trong tương lai.

Thu nhập bao nhiêu thì mua được nhà?

Chắc hẳn rất nhiều người nóng lòng muốn nghe câu trả lời để “chốt” xem mình có mua được nhà hay không? Thật đáng tiếc khi phải nói rằng không có con số nào chính xác được đưa ra cả. Ngân sách dùng để mua nhà không chỉ dựa vào thu nhập mà còn ở bảng chi tiêu hàng tháng, quyết định khoản tiền dư có được và điều này với mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh là khác nhau. Có thể cùng mức lương 10 triệu đồng/tháng nhưng có người tiết kiệm được 5 triệu, trong khi số khác chỉ là 1 – 2 triệu hoặc thậm chí không có dư.

Như vậy, bạn thu nhập cao hay thấp không quan trọng bằng việc sử dụng số tiền đó ra sao. Mua nhà, nhất là với người không mạnh về tài chính cần phải có cái nhìn hết sức tổng quan về thị trường và khả năng, bởi đây là quyết định tổng hòa giữa tiền tiết kiệm, khoản vay, tiền lãi, chi tiêu hàng tháng,… Tất nhiên, thu nhập càng cao, cơ hội mua nhà càng lớn nhưng chưa chắc sẽ hiệu quả bằng thu nhập thấp nhưng có sự tính toán hợp lý. Do đó, 10, 20 hay 30 chỉ là con số, quyết định đến một số yếu tố trong chọn mua nhà, không có giá trị kết luận về việc tiền ít mua nhà được hay không.

Cách mua nhà khi không có tiền: 03 vấn đề cốt lõi

Đối với những người có thu nhập không cao, cách mua đất khi không có tiền hay tậu nhà lúc tài chính “thiếu trước hụt sau”, phương án đưa ra phải lấy sự an toàn làm yếu tố tiên quyết. Tất nhiên, không liều thì làm sao dám đưa ra quyết định quan trọng, nhiều rủi ro như vậy; nhưng càng cố gắng thực hiện, người mua càng có ý thức trong việc hoạch định chiến lược một cách thông minh và cẩn trọng.

Nếu như nỗi lo lớn nhất đến từ tiền bạc, thì cách mua đất khi chưa đủ tiền hoặc mua nhà phải tập trung giải quyết vấn đề này. Với người giàu có, họ gọi là thời điểm, riêng với người thu nhập thấp, nó là cả quá trình.

Trước hết, tập trung xây dựng một khoản tiền tích lũy. Đây là điều quan trọng nhưng đồng thời cũng là khó khăn lớn nhất. Mọi chi tiêu, kế hoạch sử dụng tiền trong một tháng, dù cho tiết, tỉ mỉ đến đâu cũng không tránh được các tình huống phát sinh. Thực chất, có thể gọi là một kế hoạch dài hạn cần sự tập trung của ý chí. Nếu muốn mua nhà vào năm 30 tuổi thì có lẽ bạn phải xây dựng “quỹ tiết kiệm” cho mình từ vài năm trước đó.

Nguyên nhân dẫn đến không có tiền mua nhà chính là chúng ta bỏ chúng vào quá nhiều thứ không tạo ra giá trị lợi nhuận hoặc tích lũy. Trên thực tế, mỗi tháng, các chi phí như tiền thuê nhà/phòng trọ, ăn uống, xăng xe là nhu cầu cơ bản nhưng không phải duy nhất, rất nhiều khoản “không tên” khác cần đến tiền và điều này khiến cho bạn dù bỏ công bỏ sức tới đâu cũng khó hoàn thành được mục tiêu. Hoặc cũng không loại trừ khả năng, thói quen tiêu xài vô tội vạ, dẫn đến tình trạng “viêm màng túi”.

Thứ hai, cân nhắc đến các đòn bẩy tài chính. “Đòn bẩy” này không nhất thiết phải là các khoản vay từ ngân hàng nếu bạn tận dụng tốt nguồn tiền thân cận, như vay mượn của anh/chị/em, bố mẹ, họ hàng, bạn bè với lãi suất thấp hoặc không tính lãi. Đừng nghĩ đến việc có thể tự thân vận động để mua nhà nhanh chóng khi đang đọc bài viết về cách mua nhà khi không có tiền! Thường một số quan điểm sẽ cho rằng, vay mượn khi mua nhà rất áp lực và không phải là bước đi khôn ngoan. Tuy nhiên, “khôn” hay không phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng và “chèo lái” chúng ra sao. Các biện pháp đòn bẩy về tài chính là cách giải quyết nhanh gọn vấn đề ngân sách và hỗ trợ người mua giảm bớt gánh nặng trả nợ bằng những gói vay trong dài hạn.

Thứ ba, khoanh vùng lựa chọn theo khả năng. Nếu là người có thu nhập không thuộc hàng nổi trội trong xã hội tất nhiên lựa chọn của bạn chỉ nằm ở mức tầm trung đổ xuống, các căn hộ cao cấp, nhà phố vài tỷ đồng chắc chắn không phải là đối tượng có thể nhắm đến. Ngoài ra, bạn cũng nên mở rộng phạm vi, ưu tiên về tầm giá hơn thay vì tính trung tâm, độ sầm uất bởi chúng thường đi kèm với số tiền khủng. Đặc biệt, chọn cho mình top những chủ đầu tư dự án uy tín, trước hết là để bảo toàn cho số vốn, sau đó là tận dụng các chính sách ưu đãi trong giao dịch. Thông thường, những đơn vị này có chính sách thanh toán khá linh hoạt và tạo nhiều điều kiện cho người mua, dù là bất kỳ sản phẩm nào.

Nhìn chung, cách mua nhà khi không có tiền tập trung rất lớn vào khâu chuẩn bị, về cả tinh thần lẫn vật chất. Khi không có điều kiện tốt về tài chính, chúng ta cần tạo ra cơ hội bằng việc khai thác tốt quỹ thời gian, công cụ hỗ trợ và người đồng hành.

Trên đây là 03 vấn đề cơ bản nhưng mang tính chất nền tảng nhất cho các kế hoạch mua nhà cho người thu nhập thấp. Tùy vào hoàn cảnh của từng cá nhân, sẽ có người kết hợp hoặc lựa chọn một trong các nội dung này để hoàn thiện cho kế hoạch của mình, phù hợp với từng giai đoạn hoặc diễn biến trên thị trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng lý thuyết thế này có vẻ hơi khó hình dung, chưa kể đến trường hợp hiểu và thực hành sai bởi chưa thực sự hiểu hết những nguyên tắc trong bất động sản. Do đó, cùng theo dõi tiếp phần tình huống thực tế dưới đây để có thể tìm ra cách mua nhà khi không có tiền hiệu quả nhất.

Case thực tế: Lương 10 triệu làm sao mua nhà?

Lương 10 triệu làm sao mua nhà?
Lương 10 triệu làm sao mua nhà?

Tình huống này có thể áp dụng rộng hơn, cho các trường hợp đang sở hữu mức thu nhập từ 10 – 20 triệu/tháng. Phân tích chi tiết sau đây sẽ ứng dụng 3 vấn đề cốt lõi nêu trên để cho ra các con số cụ thể nhất. Lương tháng 10 triệu làm sao mua nhà, câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Cần bao nhiêu tiền để mua nhà hiện nay?

Ở thời điểm này, giá bất động sản đã tăng cao hơn so với trước rất nhiều, không riêng gì trung tâm, các khu vực vùng ven cũng bắt đầu rục rịch nhích dần lên. Điều này tạo ra không ít khó khăn cho người thu nhập thấp sở hữu nhà bởi thu nhập có tăng cũng không bõ bèn gì so với giá đất.

Nếu chọn đất nền hoặc nhà phố thì thực sự phải chọn về những vùng xa trung tâm, thị trường tỉnh lẻ may ra mới có mức giá phù hợp, dao động từ 400 – 1,5 tỷ đồng. Nếu chọn ở lại thành phố, gợi ý thiên về các dự án căn hộ giá thấp, tập trung ven đô Tp. Huế. Mức giá cho các căn hộ tại đây cũng ít nhất từ 1,5 – 2 tỷ đồng. Đây là số tiền mà bạn cần “xoay sở” để có thể mua nhà.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ kết hợp nhiều cách để tạo ra vốn, không phải đợi đến khi gom góp đủ mới bắt đầu chọn mua, bởi lẽ tích góp hơn 1 tỷ đồng không hề đơn giản.

Xem xét khoản tiền tích lũy và các lựa chọn đòn bẩy

Trong trường hợp, số tiền tích lũy cần có dao động từ 300 – 500 triệu tiền mặt và dòng tiền dòng tiền hàng tháng khoảng 15 – 20tr, người mua có thể trả góp theo tiến độ hoặc vay trả góp 60 – 70% từ ngân hàng. Với dòng tiền mỗi tháng thấp hơn 15 triệu, vay ngân hàng cũng là phương án ưu tiên với thời hạn 10, 20 hoặc 50 năm.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là làm sao để có 300 – 500 triệu tiền tích lũy. Cách tích góp mua nhà của mỗi người không không giống nhau, nhưng để có khoản dư mua nhà, bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu một cách đáng kể, nhất là với những khoản không thực sự cần thiết. Ví dụ như:

  • Không keo kiệt với bản thân nhưng tiết chế các nhu cầu, giống như chúng ta đã từng trải qua những năm tháng sinh viên chỉ với 2 – 3 triệu đồng mỗi tháng.
  • Cắt giảm chi phí nhà ở hàng tháng, nên chọn những phòng cho thuê với giá rẻ, ở ghép cùng bạn bè, hoặc ở nhờ nhà người thân (nếu tiện lợi cho đôi bên),…
  • “Bình dân hóa” các dịch vụ về ăn uống, giải trí,…Giới hạn số lần tiêu xài trong tháng để có thêm chút nào hay chút ấy hoặc dự phòng cho các tình huống phát sinh như cưới hỏi, tiệc tùng, thôi nôi, đầy tháng,…
  • Tạm gác những kế hoạch du lịch theo kiểu ngẫu hứng, sang chảnh,… Một chuyến đi với trên dưới 10 triệu tích góp cũng có thể khiến căn nhà trong mơ của bạn đi xa hơn.
  • Dành thời gian để bận rộn với công việc thay vì nghĩ cách tiêu tiền.
  • Sử dụng đồ đạc, thiết bị một cách hợp lý: chỉ mua khi cần và mua với giá ở mức chấp nhận được, không nhất thiết phải là hàng hiệu này nọ.

Nói chung, để tích góp được tiền mua nhà, bạn cần loại bỏ những thói quen tiêu dùng không tốt trước đây; bớt được khoản nào hay khoản nấy. Chia nhỏ tiền thành các mục ưu tiên trong tháng, không mang theo quá nhiều tiền mặt mỗi khi mua sắm để tránh trường hợp “lố tay” vì không kiểm soát được ý chí bản thân.

Ngoài ra, nếu có khả năng, bạn cũng có thể tìm cách để cải thiện thu nhập của mình. Đơn giản nhất là nỗ lực để được ghi nhận và đạt mức lương tốt hơn tại chỗ làm. Hoặc thử sức với một vài hình thức kinh doanh, như kinh doanh online, góp vốn chung với bạn bè để đầu tư,… Mặc dù cũng khá rủi ro nhưng biết đâu có thể giúp bạn sớm hiện thực hóa giấc mơ.

Tối ưu hóa đòn bẩy tài chính

Bên cạnh việc sử dụng khoản vay tại ngân hàng, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách mua đất khi chưa đủ tiền nhờ vào các mối quan hệ, cụ thể:

  • Nếu bố mẹ hoặc anh/chị có kinh tế ổn, hãy mượn họ 100 – 200tr làm vốn, đừng quên chứng minh cho họ thấy khả năng trả nợ của mình.
  • Tận dụng những khoản vay, chính sách ưu đãi vay vốn cho nhân viên tại chỗ làm.
  • Nếu bạn muốn lập gia đình, nên tiết kiệm các chi phí tổ chức nhất có thể để dư ra một khoản sau đám cưới. Nếu cả 2 vợ chồng cùng tích góp mua nhà thì tiến độ có lẽ sẽ nhanh hơn.

Qua các phân tích và tình huống minh họa trên đây, hy vọng ai đang loay hoay để tìm ra cách mua nhà khi không có tiền sẽ định hình được đi hướng đi cho mình. “Non” về tài chính vốn là bất lợi nhưng điều đó không đồng nghĩa dập tắt mọi cơ hội mua nhà đối với người có thu nhập thấp.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm