Các ông lớn mạnh tay đổ tiền vào BĐS công nghiệp

Chia sẻ tin này:

Bất động sản công nghiệp liên tục tăng trưởng mạnh những năm gần đây, đặc biệt trong cả những năm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 khiến nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác lên kế hoạch đầu tư mạnh tay vào phân khúc này.

Giá thuê và tỉ lệ lấp đầy tăng của BĐS công nghiệp

Hai năm đại dịch khiến nhiều phân khúc, thị trường đối mặt nhiều khó khăn. Thế nhưng bất động sản công nghiệp vẫn ghi nhận những con số vô cùng tích cực. Tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp ở một số tỉnh thuộc vùng kinh tế Trọng điểm miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhìn chung khá cao.Theo số liệu của Savills, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn khu vực là 87% trên tổng diện tích đất khu công nghiệp và diện tích cho thuê 20.567 ha, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại miền Bắc, Bắc Ninh và Hà Nội tiếp tục là hai thị trường dẫn đầu toàn khu vực với tỉ lệ lấp đầy lần lượt là 99% và 91%. Ở phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại TP.HCM là 88%, Bình Dương 99%, Đồng Nai 94%…

Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê bất động sản công nghiệp liên tục tăng qua các năm

Không chỉ ấn tượng về tỷ lệ lấp đầy, giá thuê bất động sản công nghiệp cũng tăng mạnh thời gian qua. Theo báo cáo thị trương về giá cho thuê bất động sản công nghiệp của JLL thì đến hết quý 3/2021, giá thuê đất tại các khu công nghiệp miền Nam đạt mức 114 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,1% nếu so với cùng thời điểm năm 2020. Trong khi giá thuê đất khu công nghiệp tại thị trường miền Bắc là 108 USD/m2/chu kỳ thuê, cũng tăng 6,1%.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Savills Việt Nam nhận định bất động sản công nghiệp là phân khúc được săn đón trong vài năm qua. Điều này sẽ còn tiếp diễn và tạo đà tăng trưởng khi những nhà máy sản xuất bắt đầu đặt cơ sở tại Việt Nam để đầu tư vào các dự án xí nghiệp mới.

Loạt ông lớn đầu tư (bất động sản) BĐS công nghiệp

Sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp ngay trong cả bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp trong suốt hơn 2 năm qua khiến nhiều ông lớn địa ốc vốn chỉ chuyên phát triển bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng đã mạnh tay đầu tư vào phân khúc này.

Mới đây nhất, chủ đầu tư Phát Đạt đã được tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho tiếp cận, nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án: Khu công nghiệp Cao Lãnh, khu công nghiệp Cao Lãnh II và khu công nghiệp Cao Lãnh III với tổng quy mô 2.000 ha, dự kiến khởi công giai đoạn 1 trong năm 2024. Tổng mức đầu tư 14.726 tỷ đồng với các phân kỳ: giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 phát triển quy mô 1.000 ha và giai đoạn 2 từ 2026 – 2030 với quy mô từ 1.000 ha.

Trước đó không lâu, Phát Đạt nghiên cứu đề xuất dự án khu công nghiệp – dịch vụ đô thị Phát Đạt – Dung Quất (Quảng Ngãi) với quy mô 1.152 ha, dự kiến khởi công năm 2023; dự án Kho bãi tổng hợp – dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) quy mô 24 ha đang trong giai đoạn triển khai xây dựng; Cụm Công nghiệp Hàm Ninh (Phú Quốc) hơn 59 ha dự kiến khởi công năm 2023…

Ông lớn của lĩnh vực thép là Tập đoàn Hoà Phát cũng có kế hoạch cụ thể đổ tiền vào bất động sản công nghiệp. Tập đoàn này đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 khu công nghiệp bao gồm: Phố Nối A (600ha) và Yên Mỹ II (giai đoạn 1: 97,5ha) – Hưng Yên; Khu công nghiệp Hòa Mạc – Hà Nam (131ha). Hiện Hòa Phát cũng đang đề xuất đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Ninh Xuân tại thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà với quy mô 1.300ha.

Trung tuần tháng 3, thị trường bất động sản công nghiệp lại đón một dự án đầu tư mới của một ông lớn trong lĩnh vực chứng khoán. Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đơn vị thành viên của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đã ký hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Được biết, dự án có quy mô 620ha với định hướng chuyên sâu về dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế.

Ông lớn Vingroup với Công ty Cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ), công ty con của Công ty Cổ phần Vinhomes cũng đã đề nghị làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes tại khu vực CN4, CN5 KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) có quy mô hơn 1.200 ha và cụm công nghiệp số 1 (75 ha) và 2 (68 ha) tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Việc nhiều ông lớn đổ tiền vào bất động sản công nghiệp với các dự án quy mô cho thấy tiềm năng lớn của bất động sản công nghiệp trong hiện tại và tương lai. Việc nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của phân khúc này trong tương lai.

Hải Miên

Xem thêm các bài viết cập nhật xu hướng bất động sản khác tại https://batdongsanhue.info/

 

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm